Nghe cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội) nói về triết lý GD này của nhà trường, tôi liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của nhà toán học, vật lý học và thiên văn học người Hy Lạp - Archimedes và hiểu ngay vì sao ngôi trường lại có cái tên “Tây” như thế này.
Tuy nhiên, điểm tựa ấy lại xuất phát từ một khẩu hiệu khá quen thuộc từ cuộc vận động trong ngành GD Việt Nam: Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm. Nghe thì đơn giản, nhưng thực hiện được, không hề dễ dàng…
Chuyện “con cá leo cây” và cuốn sổ ghi đầu bài
Cô giáo Xuân Thân chia sẻ: Mỗi học trò có điểm mạnh điểm yếu khác nhau, thậm chí có những sự khác biệt. Mỗi em lại chịu ảnh hưởng GD của gia đình khác nhau. Có những em có thể hòa nhập dễ dàng trong môi trường học tập mới, nhưng có em thì khó khăn hơn rất nhiều. Nếu không biết chấp nhận sự khác biệt đó, và tìm hiểu rõ ngọn nguồn, mà chỉ khăng khăng vào thực hiện kỷ cương thì chả khác nào “đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây của nó” (Anhxtanh).
Tôi biết có những giáo viên cứ đến giờ sinh hoạt là giở ngay sổ ghi đầu bài xem em nào hay mắc khuyết điểm, bị ghi sổ nhiều lần, rồi phê bình em đó trước cả lớp, bắt cả lớp cùng nghe. Có em bị nhắc nhiều lần quá (mà chuyện này không hiếm gặp với con trẻ), tự nhiên cảm thấy mình bị cô lập, mình là đứa bỏ đi, thế là hỏng. Tôi cũng từng có lần phải xuống lớp “điều chỉnh” việc này.
Tôi cho rằng, về mặt phương pháp, cần phải chia nhóm để có những hình thức giáo dục thích hợp, không thể “vơ đũa cả nắm”. Và điều quan trọng nhất là phải có một tấm lòng bao dung, độ lượng, nghĩa là trước hết phải là tình thương và trách nhiệm, với một tinh thần dân chủ. Dân chủ giữa cả cha mẹ, giáo viên và học sinh, tất cả cùng lắng nghe, thấu hiểu và cùng có trách nhiệm mới được.
Chị N.H.L, có con học trường này, tâm sự: Con em không phải là đứa trẻ hư, nhưng rất nghịch vì quá hiếu động. Cũng không ít lần em phải lên gặp giáo viên và lãnh đạo nhà trường. May mà các cô giáo ở đây rất chia sẻ và yêu thương và cũng rất sát sao nữa, nên cháu tiến bộ nhiều. Mà không chỉ giáo viên, cả bác bảo vệ, cô lao công, đến thầy giáo thể dục đều biết rõ từng học sinh có sự khác biệt, để hỗ trợ gia đình giáo dục các con. Đó là điều đáng quý. Vì các con đến trường không chỉ để học giỏi, mà còn phải học làm người.
Cho đi và nhận lại
Là giáo viên dạy Văn, cô Thân rất tâm đắc với ý nghĩa nhân văn của truyện Chí Phèo. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô nhắc lại quan điểm giáo dục của mình: Đừng bao giờ nghĩ rằng học trò, cho dù rất hư là một đứa trẻ bỏ đi. Ngay cả một kẻ mất cả nhân hình, nhân tính còn muốn trở lại làm người lương thiện nhờ chút lòng yêu thương đồng cảm.
Việc của giáo viên là biết hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh của học trò, bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của mình, đó chính là đã cho các em một điểm tựa quan trọng, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức.
Nhân nói chuyện đội ngũ giáo viên của nhà trường có gần 40% từng là giáo viên hoặc HS Trường Ams (Hà Nội - Amsterdam), cô Thân chia sẻ một status trên facebook của cô kể một câu chuyện mới đến với cô sáng 11/3/2016:
“Chúng tôi, những thầy cô giáo đã nghỉ hưu của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vô cùng cảm động về sự đón tiếp của các cựu HS của trường. Các em đón chúng tôi ngay tại chân cầu thang của Bệnh viện Vinmec. Các em chỉ dẫn, dặn dò ân cần và chu đáo vô cùng. Cách mà chúng tôi vẫn đối xử với các em khi xưa là HS của chúng tôi.
Đây là lối sống, cách sống đáng trân trọng, nhân rộng trong xã hội ngày nay. Tôi luôn tự hào hãnh diện mình là giáo viên Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tôi vẫn dạy học và đang làm quản lý ở Trường THCS Archimedes Academy. Tôi đang, sẽ và mãi mãi dạy các em lối sống, cách sống và lẽ sống bình dị mà cao đẹp, chân thành mà thấm thía này. Cảm ơn các em!”.
Đó là lẽ đời, cho đi tình thương và trách nhiệm sẽ nhận lại trách nhiệm và tình thương. Cô Thân nói vậy. Và cô cứ mong cái thương hiệu Ams cũng sẽ được khẳng định ở Archimedes Academy của cô, nơi mà sau khi đã nghỉ chế độ, cô lại được về để tiếp tục cống hiến, tiếp tục được cùng tập thể nhà trường thực hiện triết lý GD: Điểm tựa của những thành công.
Thay lời kết
Tôi đọc Tâm thư gửi học trò của Hiệu trưởng – ThS Nguyễn Thúy Hằng thì càng thấu hiểu vì sao triết lý GD của Trường THCS Archimedes Academy là “Điểm tựa của những thành công”. Xin được trích dẫn một đoạn của bức tâm thư ấy, để thay lời kết cho bài viết này:
“Dưới mái trường này, thầy cô không chỉ là những người truyền kiến thức mà còn truyền “lửa” cho các con; không chỉ giàu kinh nghiệm, có năng lực mà còn tận tụy và rất thân thiện. Bằng tấm lòng của người cha, người mẹ, thầy cô mong muốn các con sẽ phát triển toàn diện bao gồm chiều sâu kiến thức, bồi đắp nhân cách, tâm hồn và thể chất. Với quan điểm GD không áp đặt, các con được tôn trọng và thấu hiểu bởi mỗi người đều có điểm mạnh của riêng mình. Chỉ cần có khát khao và sẵn sang “cháy lên đam mê” thì các con có thể tìm thấy cơ hội để trải nghiệm cũng như tỏa sáng…”.
Giáo Dục Số - Theo GDTĐ