Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy một thiếu niên hay người lớn nói câu: “Tôi không thể nào làm Toán được”? Hầu hết mọi người khi nghĩ về Toán, họ luôn coi nó như một kỹ năng mà chỉ có một số nhóm người nhất định thể hiện được sự vượt trội.
Khi bạn nghĩ lại quãng thời gian học tập của mình ở trường Tiểu học và Trung học, tôi dám chắc là trong mỗi tiết Toán, bạn luôn có những bạn học cực kỳ giỏi, những bạn học trung bình và những bạn có vẻ như không hiểu hoặc chẳng quan tâm gì cả. Trong suốt sự nghiệp dạy học của mình, tôi đã chứng kiến nhiều hiện tượng tương tự như thế trong lớp của mình, tuy nhiên tôi quyết tâm cải hiện tình trạng này và tạo ra một số các hoạt động để tất cả học sinh đều hào hứng tham gia và không em nào đứng ngoài xem các bạn của mình.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, tôi thiết kế các dự án học tập ngắn hạn để sử dụng cùng học sinh của mình và tìm ra nội dung nào phù hợp nhất cho các em trong giáo trình của tôi. Tôi bắt đầu sử dụng các dự án này mỗi 2-3 tuần. Thậm chí, tôi còn nhận được yêu cầu đi qua các lớp học khác và trình bày vài dự án. Các em rất trông đợi được học những bài học này và luôn hỏi khi nào bài học tiếp theo sẽ được lên lịch.
Mỗi dự án luôn bắt đầu bằng một phần tổng quan về những điều mà các em sẽ học và chủ đề này sẽ được áp dụng ra sao trong thực tế. Dành thời gian để nói về việc dự án sẽ giúp các em cải thiện các kỹ năng toán học như thế nào và sau đó là đi thẳng vào bài học.
Dưới đây là một vài ví dụ về các dự án mà tôi đã áp dụng:
Đa giác
Lớp 2 – 5
Các em có thể dùng ống hút, que kem, hoặc các mảnh bìa các-tông và đinh mũ nhọn hoặc những que thông ống để làm vật liệu. Bắt đầu bài học bằng việc xem hình dạng của cửa ra vào, cửa sổ…trên các tòa nhà và trong các lớp học để hiểu được các hình dạng này được áp dụng như thế nào vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Sau đó, học sinh sẽ bắt đầu dựng các đa giác của mình, bao gồm cả các hình dạng hình học khác, chẳng hạn như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành, hình thoi, hình thang, hình ngũ giác, hình lục giác, bát giác và hình thập giác (tùy theo khối lớp). Các em còn có thể dựng các khối đa diện đều và đa diện tổng hợp. Cuối cùng, các em tiếp tục phát triển những hình mà mình thích và làm các hình treo trưng bày.
Tìm Số Đo Đồ Vật
Lớp 2 – 3
Đối với nhiều em học sinh lớp 2 và 3 thì dùng thước kẻ là một việc khá rắc rối. Trong hoạt động này, các em sẽ học cách làm dùng thước kẻ để đo các hình ảnh về đồ vật trên những tấm thẻ, cũng như những đồ vật ngoài đời thực (bút chì, búa, giày, v.v..). Các em sẽ xoay vòng để có thể đo tất cả các đồ vật. Khi tất cả đã đo xong, các em sửa bài cho nhau và tiến hành thảo luận. Đối với bài tập về nhà, các em sẽ chọn 10 vật có ở nhà và đo đạc chúng. Ngày hôm sau sẽ phải nộp danh sách các kết quả đo lường đã hoàn chỉnh.
Gói quà
Lớp 4 – 5
Tôi để dành được rất nhiều hộp nhỏ để dùng vào dự án này. Nếu có 2 đến 3 kích thước hộp khác nhau thì càng tốt. Cho các em biết rằng mình làm việc theo nhóm nhỏ từ 2-4 người và sẽ gói một món quà với số lượng vật liệu ít nhất có thể. Mỗi nhóm sẽ được phát một cây thước, kéo, băng dính, và giấy gói.
Việc cần làm đầu tiên của nhóm là thảo luận cách hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp theo, các em sẽ trang trí giấy gói sao cho chúng trông thậtbắt mắt và có thể dùng trong bất kỳ dịp tặng quà nào. Sau đó, các nhóm sẽ bắt đầu đo những chiếc hộp của mình và tính thêm phần dư do giấy chồng lên nhau. Các thông tin này sẽ được các em ghi nhận vào máy vi tính.
Với các thông tin này, mỗi nhóm sẽ tìm ra diện tích giấy mà mình cần dùng. Mỗi nhóm sẽ đi quanh phòng và quan sát công việc của nhóm khác. Cuối cùng, tiến hành thảo luận cả lớp và chọn ra nhóm sử dụng diện tích giấy nhỏ nhất, nhóm gói đẹp nhất và nhóm gói gọn gàng nhất.
Tìm hiểu về lá cây
Lớp 3 – 4
Nhặt một ít lá cây dưới sân trường, hoặc yêu cầu các em tìm một ít lá cây, và để cho lá khô trong vài ngày. Đặt mỗi chiếc lá khô lên một miếng bìa các tông có kích thước vừa với cái lá và sau đó đặt vào trong một cái túi nhựa. Khi học sinh bắt đầu dự án, hãy trải lá trong khu vực làm việc của mỗi nhóm (mỗi nhóm khoảng 10 lá). Yêu cầu mỗi nhóm ước lượng chiều dài và chiều rộng của từng lá, sau đó đo chúng. Thông tin này cũng sẽ được ghi trong phần mô tả về chiếc lá của nhóm. Tiếp theo, các em nhập các số đo này theo định dạng bảng. Dành vài phút để so sánh và tính toán kết quả. Cuối cùng, từng nhóm sẽ lập biểu đồ các số đo (dạng thanh hoặc dạng cột) cho bảng tin.
Có rất nhiều nguồn thông tin cho các dự án trên Internet. Trong các bài viết tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số trang web hiện nay và cách sử dụng chúng để tạo “những dự án toán học tuyệt vời”.
Giáo Dục Số - Theo tác giả: Pat Verhoeven